BENA

Alexander đại đế – Nhà quản trị chuỗi cung ứng xuất sắc?

Alexander đại đế luôn tiến hành các chiến dịch dựa vào khả năng đặc biệt của quân đội của ông, và những điều này được thực hiện bởi việc quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả. Theo tinh thần của câu nói “Những người không chuyên gọi đó là chiến lược và những chuyên gia gọi đó là hậu cần”, chúng ta hãy nhìn vào các chiến dịch của Alexander Đại Đế. Nếu các bạn nghĩ rằng sự vĩ đại của ông chỉ nhờ vào nghĩ ra những nước cờ táo bạo và đưa ra những quyết định dũng cảm, xin hãy nghĩ lại. Alexander là bậc thầy về quản lý chuỗi cung ứng và ông không thể thành công nếu không có nó. Các tác giả thời Hy Lạp và La Mã ghi chép lại những công trạng của ông đề cập rất ít về việc làm thế nào Alexander đảm bảo nguồn cung cho binh sĩ của mình. Nhưng cũng từ những tài liệu này, nhiều chi tiết vụn vặt cũng được ghép lại với nhau để cho thấy bức trang về chuỗi cung ứng tổng thể của Alexander, trả lời cho câu hỏi làm thế nào vị hoàng đế trẻ tuổi có thể quản lý chúng. Một nhà sử học hiện đại, Donald Engels, đã nghiên cứu chủ đề này trong cuốn sách của ông: Alexander Đại Đế và hoạt động hậu cần của quân đội Macedonia cổ đại.

Ông bắt đầu bằng cách chỉ ra rằng trong bối cảnh và điều kiện công nghệ của thời Alexander Đại Đế, những chiến lược và chiến thuật của vị hoàng đế xứ Macedonia có quan hệ rất mật thiết với năng lực duy trì nguồn cung ứng và vận hành một tổ chức tinh gọn, hiệu quả. Thời đó, cách duy nhất để vận chuyển một lượng lớn hàng hóa là chở bằng những chiếc thuyền có khả năng vượt đại dương hoặc bằng những chiếc thuyền nhỏ đi trên sông. Nếu phải tác chiến xa những con sông và bờ biển, một đội quân phải tìm cách sống sót trên đất liền trong suốt hành trình mà đội quân đó đi qua. Lương thảo sẽ giảm xuống nhanh chóng nếu dùng xe bò, xe ngựa thồ hàng, bởi vì chính động vật cũng phải ăn và chẳng bao lâu sẽ tiêu thụ tất cả thức ăn và nguồn nước mà chúng đang chở theo, trừ khi có những đồng cỏ để chúng gặm dọc đường.

Quân đội của Alexander có thể đạt được những thành công huy hoàng là bởi họ có thể quản lý chuỗi cung ứng rất tốt. Quân đội của Alexander có một cấu trúc hậu cần hoàn toàn khác với những đội quân cùng thời. Ở những đội quân khác, số phu dịch đi theo phục vụ thường nhiều không kém số binh lính thực chiến, bởi vì đội quân phải di chuyển cùng một số lượng lớn gia súc và xe thồ để mang theo trang thiết bị, nhu yếu phẩm cũng như con người để quản lý chúng. Trong đội quân của Macedonia, việc sử dụng xe thồ bị hạn chế nghiêm ngặt. Các chiến binh được huấn luyện để tự mang theo trang thiết bị và nhu yếu phẩm. Những đội quân thời bấy giờ không đòi hỏi binh lính phải mang theo những gói hàng nặng như vậy, nhưng họ phải trả giá cho những điều này bởi những đoàn xe chở hàng khiến cho sự cơ động của họ bị giảm đi đáng kể. Cấu trúc hậu cần mới của quân đội Macedonia khiến cho họ trở thành đội quân nhanh nhẹn, tinh gọn và cơ động nhất của thời kỳ đó. Họ có thể thực hiện những cuộc tấn công chớp nhoáng trước khi kẻ địch nhận ra điều gì đang diễn ra. Bởi vì binh lính của Alexander có thể di chuyển nhanh nên ông có thể tận dụng khả năng này để sử dụng những chiến thuật bất ngờ và chiếm ưu thế dù đối phương hơn hẳn về số lượng.

Bức trang về cách Alexander quản trị chuỗi cung ứng thực sự rất thú vị. Chẳng hạn, một số nguồn tư liệu lịch sử đã đề cập rằng trước khi tiến vào một vùng lãnh thổ mới, ông sẽ chấp nhận sự đầu hàng của người cai trị vùng đất đó và sắp xếp trước với họ về lượng quân nhu mà đội quân của ông cần. Nếu một lãnh thổ không chấp nhận đầu hàng trước, Alexander sẽ không vội vàng sử dụng hết binh lực của mình để đánh chiếm vùng đất đó. Nhà vua không bao giờ mạo hiểm đặt quân đội của mình vào nguy cơ thất bại vì thiếu nhu yếu phẩm. Thay vào đó, ông sẽ thu thập tin tình báo về những tuyến đường, các nguồn tài nguyên và thời tiết của khu vực; sau đó xuất quân với một lực lượng nhỏ nhưng cơ động để gây bất ngờ cho đối thủ. Đội quân chính sẽ vẫn ở lại phía sau, ở một nơi có lương thảo đầy đủ cho đến khi Alexander đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho đội quân chính. Bất cứ khi nào thiết lập một căn cứ mới, quân đội của Alexander đều tìm một nơi có thể dễ dàng tiếp cận với các con sông và cảng biển. Sau đó, tàu từ những vùng khác của đế chế sẽ mang một lượng lớn quân nhu để cung cấp cho quân đội. Đội quân luôn luôn án binh bất động vào mùa đông cho đến vụ thu hoạch đầu tiên của năm mới để nguồn cung thực phẩm được đảm bảo. Khi hành quân, đội quân của Alexander tránh những vùng không có dân cũng như những vùng khô hạn. Họ ưu tiên di chuyển qua các thung lũng ven sông và những vùng đông dân cư để ngựa có thể ăn cỏ và quân lính có thể trưng thu nhu yếu phẩm dọc đường đi.

Alexander Đại đế có một tầm hiểu biết sâu rộng về khả năng và giới hạn của chuỗi cung ứng mà ông nắm trong tay. Ông đã học cách xây dựng chiến lược và sử dụng chiến thuật dựa trên sức mạnh đặc biệt mà hệ thống hậu cần và chuỗi cung ứng của ông có thể cung cấp; ông cũng thực hiện những giải pháp để bù đắp cho các khiếm khuyết trong chuỗi cung ứng của mình. Những đối thủ của nhà vua thường có lực lượng lớn hơn và chiến đấu trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, lợi thế của họ bị hạn chế phần nào bởi chuỗi cung ứng thiếu hiệu quả và vụng về. Điều này đã hạn chế khả năng của họ trong việc phản ứng và đưa ra các quyết định đối phó với cuộc hành quân của Alexander.

Leave a Comment

Scroll to Top