BENA

Đấu thầu qua mạng quốc gia: Lợi ích và hiệu quả nhiều mặt

Đấu thầu qua mạng là xu thế tất yếu của thế giới, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính…

Tại nước ta, đấu thầu qua mạng (ĐTQM) chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước từ ngày từ năm 2016 theo lộ trình quy định tại Quyết định số 1402 ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2025.

Dù mới triển khai thời gian ngắn với nhiều thách thức, khó khăn, song đấu thầu qua mạng đã cho thấy nhiều ưu điểm so với hình thức đấu thầu truyền thống. Đơn cử tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ riêng năm 2019, EVN tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng thành công 10.698 gói thầu, với tổng giá trúng thầu khoảng 25.520 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 10,3%.

Số liệu thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng cho thấy, tính đến hết ngày 31/3/2020, có gần 14.900 gói thầu ĐTQM (chiếm tỷ lệ 69% tổng số gói thầu chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi) với tổng giá trị gói thầu hơn 44.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 42.8 % tổng giá trị gói thầu chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi). 

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay của ĐTQM là thay đổi thói quen của các chủ đầu tư/bên mời thầu và cả nhà thầu. Làm thế nào để thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ sinh thái đấu thầu qua mạng, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện của các chủ đầu tư/bên mời thầu và nhà thầu?

1. Một số lợi ích của đấu thầu qua mạng

Việc ứng dụng CNTT trong đấu thầu qua mạng có thể xem là bước tiến lớn trong việc giúp cho các Bên mời thầu, Nhà thầu tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian và các chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục trong đấu thầu.

a. Kết nối hiệu quả nhà thầu với các gói thầu, tăng cường minh bạch thông tin.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống) hoạt động tương tự như một sàn thương mại điện tử, giúp kết nối doanh nghiệp với chủ đầu tư của các dự án mua sắm công.

Các dự án này sẽ mời thầu cạnh tranh công khai trên trang web http://muasamcong.mpi.gov.vn. Nhà thầu chỉ cần đăng ký có mạng Internet là có thể tiếp cận thông tin dự án, gói thầu mọi nơi mọi lúc, xóa bỏ hoàn toàn các cản trở về không gian và thời gian. Quá trình giao dịch, trao đổi thông tin giữa nhà thầu và bên mời thầu được thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên hệ thống.

Bên cạnh đó, toàn bộ thông tin đấu thầu như kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo sơ tuyển, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu, báo cáo đánh giá tổng hợp, kết quả lựa chọn nhà thầu… đều được công khai trên hệ thống. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả nhà thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng.

b.Tiết kiệm chi phí đấu thầu

Mọi thao tác đều được số hóa, do đó, chi phí, nhân sự và thời gian dành cho đấu thầu cũng được tiết kiệm đáng kể. Nhà thầu có thể tải miễn phí hồ sơ mời thầu trên hệ thống, không phải tốn thêm phí vận chuyển, in ấn, lưu trú để tham gia đấu thầu.

Về phía Nhà thầu, tham gia đấu thầu qua mạng giúp cắt giảm chi phí đầu vào, gia tăng tính cạnh tranh. Về phía các tổ chức công, việc giảm chi phí góp phần tăng hiệu quả sử dụng ngân sách.

c. Đơn giản hóa quá trình đấu thầu

Toàn bộ quy trình đấu thầu qua mạng đều tối ưu và đơn giản hóa, từ bước lập, đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, chuẩn bị và nộp hồ sơ đến khi mở thầu, đánh giá và công bố kết quả.

2. Một số khó khăn và nguyên nhân

Đấu thầu qua mạng đã tăng mạnh qua từng năm, tuy nhiên nếu so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NĐ-CP của Chính phủ thì vẫn chưa đạt, cụ thể là mới đạt chỉ tiêu về giá trị, không đạt chỉ tiêu về sống lượng.

Ngoài ra, theo thống kê năm 2019, số lượng nhà thầu trung bình tham gia đấu thầu trên 1 gói thầu qua mạng còn thấp, trung bình 2,40 nhà thầu/gói thầu, trong đó nhiều gói thầu (đặc biệt là gói thầu xây lắp) chỉ có 1 nhà thầu tham gia. Ngoài ra, số liệu thống kê cho thấy số lượng nhà thầu đã đăng ký trên hệ thống nhiều nhưng tỷ lệ tham gia đấu thầu qua mạng còn hạn chế (chỉ chiếm tỷ lệ 10%). Nguyên nhân là do:

Về phía các nhà thầu cũng chưa thực sự quan tâm đến đấu thầu qua mạng, tồn tại tư duy ngại thay đổi hoặc chưa hiểu rõ về sự minh bạch trong đấu thầu qua mạng.  

Hạ tầng kỹ thuật Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại được phát triển trên nền tảng công nghệ của Hệ thống KONEPS do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ từ năm 2009 nên người dùng còn gặp một số trở ngại khi thao tác trên Hệ thống như chỉ tương thích với trình duyệt Internet Explorer.

3. Những điều chỉnh để giải quyết khó khăn cho đấu thầu qua mạng

Thực hiện nhiệm vụ Nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thực hiện đấu thầu, mua sắm tài sản công qua mạng, quản lý thống nhất thông tin, cơ sở dữ liệu về đấu thầu trên phạm vi cả nước, hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống tổng thể trong năm 2019, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2020 – 2022 được giao trong Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT Ngày 16/12/2019 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

Một trong những điểm nổi bật tại Thông tư này là bắt buộc công khai Hồ sơ mời thầu/ Hồ sơ yêu cầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia dù gói thầu không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng. Theo đó, đối với lựa chọn nhà thầu, trong quá trình đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng.

Với quy định mới tại Thông tư số 11, việc bắt buộc bên mời thầu công khai HSMT/HSYC của tất cả các gói thầu lên Hệ thống được các nhà thầu đánh giá là bước tiến vượt bậc trong công khai thông tin về đấu thầu, giúp tăng cường cạnh tranh, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu.

4. Giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu thầu qua mạng

Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của người sử dụng, nghiên cứu nâng cấp Hệ thống để tạo thêm nhiều tiện ích cho nhà thầu. Đặc biệt là khả năng tìm kiếm, tiếp cận thông tin trong đấu thầu thông qua thư điện tử, phần mềm cung cấp thông tin đấu thầu trên thiết bị di động.

Ngoài ra, hiện nay Bộ KH&ĐT đang xây dựng Hệ thống đấu thầu qua mạng mới, với tính năng đầy đủ hơn, thuận lợi hơn, bảo mật an toàn cao hơn trong đó có kết nối với những hệ thống của các cơ quan hành chính Trung ương và địa phương, giúp phục vụ tốt nhất nhu cầu của cả cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư/ bên mời thầu, nhà thầu cũng như tạo môi trường thực sự minh bạch, công bằng, cạnh tranh và hiệu quả cho hoạt động đấu thầu.

Tăng cường truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng để thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp vào thị trường mua sắm chính phủ nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ và đạt tỷ lệ tiết kiệm trong chi tiêu công.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện các biểu hiện tiêu cực trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, cài cắm điều kiện gây hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, hoặc thông thầu, gây khó dễ với nhà thầu khi trúng thầu, triển khai hợp đồng

Có thể thấy, sau 4 năm triển khai chính thức, đấu thầu qua mạng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn và vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, là công cụ hữu hiệu trong công tác phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.

Tuy nhiên việc triển khai đấu thầu qua mạng chỉ có thể đạt hiệu quả tối đa nếu có sự quyết tâm, đồng lòng và mong muốn đấu thầu thực sự minh bạch, công bằng, cạnh tranh từ cả các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, bên mời thầu, doanh nghiệp và toàn xã hội./.

Nguồn

Vovgiaothong.vn

Leave a Comment

Scroll to Top