(BĐT) – Trước ý kiến đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, thúc đẩy tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư công, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cho rằng, việc nâng hạn mức chỉ định thầu sẽ tạo ra nhiều lỗ hổng, bộc lộ những mặt trái của cơ chế xin – cho trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
Điều này cũng làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, các gói thầu được áp dụng chỉ định thầu có hạn mức (giá trị) không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Một số ý kiến cho rằng, hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nói trên là rất thấp, chưa phù hợp với thực tế. Có ý kiến đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn và xây lắp, thiết bị, trong đó quy định cụ thể giá trị trao thầu phải thực hiện tiết kiệm từ 3 – 5% so với giá trị dự toán được duyệt. Việc nâng hạn mức chỉ định thầu như đề xuất này sẽ rút ngắn thủ tục đầu tư, đấu thầu mà vẫn có hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, hạn mức chỉ định thầu hiện nay ở Việt Nam đã là quá cao so với mặt bằng chung của thế giới. Trên thực tế, ở các địa phương, số lượng gói thầu nằm trong hạn mức được chỉ định thầu là rất lớn, nếu nâng hạn mức chỉ định thầu lên nữa thì hầu hết các gói thầu ở địa phương sẽ được chỉ định thầu. Trong khi chỉ định thầu là hình thức không có tính cạnh tranh, dễ xảy ra thông đồng, móc ngoặc giữa các bên liên quan, gây thất thoát cho Nhà nước.
Còn theo TS. Nguyễn Việt Hùng – chuyên gia về đấu thầu, đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu là không hợp lý. Hạn mức các gói thầu được chỉ định thầu của quốc tế rất thấp vì chỉ định thầu là hình thức đấu thầu làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu. Trong điều kiện trình độ quản lý của chúng ta vẫn còn hạn chế, tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của những người tham gia vào công tác đấu thầu chưa cao thì cần hạn chế chỉ định thầu hơn nữa để giảm thiểu tiêu cực.
Một số chuyên gia khác cũng phân tích, hình thức chỉ định thầu do chỉ có 1 bên mua và 1 bên bán nên dễ xảy ra việc thông đồng, móc ngoặc và nâng khống dự toán gói thầu. Khi giá gói thầu bị “vống lên”, được lập không chính xác thì việc tiết kiệm 3 – 5% giá trị dự toán chỉ mang tính hình thức. Còn khi gói thầu được đưa ra đấu thầu rộng rãi, công khai minh bạch thì dù xảy ra trường hợp giá dự toán được lập không chính xác, có sai sót thì giá dự thầu và giá trúng thầu vẫn tiệm cận với giá thị trường, giá trị thực của gói thầu, sẽ khắc phục được sai sót trong khâu lập dự toán.
Theo Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay đấu thầu qua mạng đang là xu hướng của thế giới. Quy trình đấu thầu qua mạng đơn giản, tiết kiệm rất nhiều thời gian, thủ tục, nâng cao tính cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia đấu thầu. Vì vậy, gói thầu có giá trị nhỏ nên áp dụng đấu thầu qua mạng. Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu qua mạng khoảng 9%, đặc biệt có những gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 20 – 30%, trong khi tỷ lệ tiết kiệm đối với chỉ định thầu hầu như không có. Ngoài ra, việc hạn chế áp dụng hình thức chỉ định thầu là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế (ở Mỹ giá trị được áp dụng chỉ định thầu khoảng 3.000 USD – tương đương 70 triệu đồng).
Nâng hạn mức chỉ định thầu sẽ kéo theo tình trạng “xin – cho”, làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong chi tiêu, sử dụng vốn nhà nước, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khánh Ngọc
Nguồn